Đặc điểm Dê

Hình dáng

Dê có một bộ lông tơ mịn bao phủ khắp người. Bộ lông có thể chỉ có một màu hoặc nhiều màu, thường là màu đen, xám, trắng, nâu... Lông dê dài ngắn tùy theo loài và tùy theo các địa điểm địa lý khác nhau mà chúng sống, ví dụ như những loài dê sống ở vùng nóng thì lông ngắn và thưa, còn những loài dê sống ở vùng lạnh thì lông dài và rậm hơn (như ở các vùng đồi núi hoặc những nơi cao hơn mực nước biển).[2] Ở dê cả con đực và con cái có thể có sừng hoặc không có sừng . Sừng dê có nhiều hình dáng (cong ngược về phía sau, thẳng đứng, uốn cong hình trôn ốc...). Cả dê cái và dê đực đều có râu tùy loài.

Tiêu hóa

Dê thuộc loại súc vật nhai lại như trâu, bò, cừu... Bộ máy tiêu hóa của dê được cấu tạo để có thể tiêu hóa được đủ loại thức ăn khác nhau (như vỏ cây, các loại cây cằn cỗi...). Miệng của dê tuy nhỏ nhưng môi lại rất mềm nên có thể gặm được nhiều loại thức ăn (như cỏ, cành, lá, gai góc, vỏ cây...). Lưỡi dê có nhiều loại gai thịt là đầu dây thần kinh khác nhau, các gai này không những phân biệt được mùi vị mà còn có thể ước lượng được độ cứng, mềm của thức ăn.

Hàm trên không có răng cửa nhưng thay vào đó là một khối xương lớn, có thể coi như một răng cửa lớn đối diện với 8 răng cửa ở hàm dưới. Dê dùng răng cửa ở hàm dưới cắt nhỏ những đồ ăn dài và cứng (như cành, bụi cây...) bằng cách nghiến vào khối xương ở hàm trên, sau đó dùng 12 cặp răng hàm để nghiền thêm. Khi ăn, dê dùng lưỡi để vơ lấy đồ ăn. Dê không nhai kỹ mà chỉ nhai sơ qua rồi nuốt nhanh.

Dạ dày của dê là một cơ quan rất lớn, dung tích có thể lên tới 30 lít chiếm hết xoang bụng bên trái, được chia thành 4 ngăn với các chức năng riêng biệt, có thể coi như 4 dạ dày nhỏ. Bốn túi này có kích thước và công dụng khác nhau, gồm:

  • Dạ cỏ là túi lớn nhất, chiếm khoảng 80% thể tích toàn dạ dày dùng để chứa thức ăn vừa nuốt vào.
  • Dạ tổ ong là túi nhỏ nhất, dung tích chiếm khoảng 1-2 lít toàn dạ dày, mặt trong có nhiều ô năm góc, dùng để nghiền thức ăn.
  • Dạ lá sách lớn hơn dạ tổ ong, mặt trong có nhiều lá thịt mỏng xếp lại (như các trang sách), dùng để ép thức ăn thu hút những chất dinh dưỡng dưới thể lỏng.
  • Dạ múi khế dài khoảng 40 cm có nhiều tuyến tiêu hóa và mạch máu nên mềm và xốp.

Thức ăn sau khi qua 4 túi của dạ dày sẽ được chuyển tới ruột non gồm các tuyến nhỏ để hấp thụ chất dinh dưỡng nuôi cơ thể, phần dư thải còn lại sẽ được tống xuống ruột già để bài tiết ra ngoài.

Sinh trưởng

Dê là loài động vật có khả năng sinh sản rất nhanh (hơn cả , trâu...). Đa số các loài dê đến 6-8 tháng tuổi là đến tuổi động dục. Thời gian dê mang thai khoảng 140 ngày.[3] Chính vì tốc độ sinh sản nhanh cùng với thói quen ăn nhiều của dê mà ở có một số khuyến cáo không nên thả rông dê nhà mà không kiểm soát.

Bảng dưới đây liệt kê đặc điểm sinh trưởng của một số giống dê nhà:

Lứa tuổiDê cỏDê Bách ThảoDê barbaryDê JumnapariDê Beetal
Sơ sinh: Đực2,29 kg2,78 kg2,31 kg3,41 kg3,5 kg
Cái1,62 kg2,3 kg2,19 kg3,0 kg3,0 kg
3 tháng: Đực6,1 kg11,6 kg9,4 kg12,4 kg12,98 kg
Cái5,3 kg10,1 kg9,1 kg11,7 kg10,7 kg
6 tháng: Đực9,7 kg17,9 kg14,87 kg18,6 kg19 kg
Cái8,2 kg15,9 kg12,5 kg14,6 kg15,4 kg
9 tháng: Đực14,3 kg25,5 kg19,4 kg24,0 kg26,6 kg
Cái13,7 kg22,1 kg15,3 kg20,6 kg22,9 kg
12 tháng: Đực19,8 kg31,4 kg23,3 kg30,2 kg31,6 kg
Cái17,2 kg26,81 kg18,31 kg29,4 kg25,7 kg
18 tháng: Đực25,0 kg41,7 kg31,1 kg39,3 kg40,9 kg
Cái20,7 kg33,5 kg21,8 kg27,1 kg29,6 kg
24 tháng: Đực28,0 kg46,2 kg34,7 kg47,5 kg50 kg
Cái22,8 kg35,3 kg23,71 kg29,0 kg33,0 kg
30 tháng: Đực32,8 kg54,3 kg39,7 kg54,4 kg56,2 kg
Cái25,7 kg38,6 kg25,8 kg32,1 kg36,0 kg
36 tháng: Đực36,6 kg57,3 kg44,9 kg59,5 kg62,3 kg
Cái27,6 kg40,6 kg28,0 kg36,2 kg40,1 kg